Tên Peribsen Seth-Peribsen

Tên của Peribsen là một sự bất bình thường, bởi vì thần Seth là vị thần bảo trợ của ông chứ không phải là thần Horus. Điều này trái ngược với truyền thống của Ai Cập, một vị vua thường chọn hình tượng vị thần chim ưng Horus là vị thần bảo trợ của mình. Theo truyền thống, tên Horus của nhà vua được viết trong một serekh: hình tượng mặt ngoài của cung điện hoàng gia bên dưới một con chim ưng đại diện cho thần Horus. Thay vào đó, Peribsen đã lựa chọn linh vật đại diện cho thần Set, trên serekh của ông. Giống như thần Horus, Seth là một vị thần được thờ phụng rộng rãi trong giai đoạn tiền triều đại. Sau này, thần Seth trở thành vị thần của bóng tối và sự hỗn loạn trong thời kỳ Hậu nguyên của Ai Cập cổ đại. Mặc dù vậy Peribsen là vị pharaon duy nhất sử dụng linh vật đại diện cho thần Seth hiện diện trên Serekh của mình, ngoài ông ra còn có nhiều vị vua khác nữa cũng tôn thờ thần Seth. Ví dụ như pharaoh triều đại thứ mười ba Seth Meribre[15], các vị vua triều đại thứ mười chín như Seti ISeti II và vị vua Setnakhte của triều đại thứ hai mươi.[16][17]

Việc Peribsen chọn vị thần bảo trợ và sự cai trị của ông trong thời kỳ tối tăm của triều đại thứ hai đã khiến các nhà Ai Cập học và sử gia tìm kiếm lời giải thích phù hợp cho cả tên gọi của ông và thời kỳ hỗn loạn mà ông sống. Sau đây là một số giả thuyết được đưa ra:

Giả thuyết tôn giáo về sự kết hợp giữa Peribsen và Seth

Chữ khắc từ một chiếc bình bằng Pocfia với serekh của Peribsen; lưu ý tới linh vật của Seth cùng với đĩa mặt trời phía trên.[18]Giả thuyết cũ

Một giả thuyết được các nhà Ai Cập học như Percy Newberry, Jaroslav Černý,[19]Walter Bryan Emery[20]Bernhard Grdseloff[3] ủng hộ- mà vẫn còn phổ biến cho tới tận giữa thế kỷ 20- cho rằng Peribsen là một vị vua dị giáo đã tìm cách khởi xướng một tôn giáo mới ở Ai Cập, với việc chỉ thờ duy nhất thần Seth. Hành động của Peribsen được cho là tương tự như những gì mà vị pharaoh Akhenaten của triều đại thứ 18 đã thực hiện, ông ta đã ra lệnh rằng người Ai Cập chỉ được tôn thờ duy nhất thần Aten. Newberry đề xuất rằng các vị tư tế của thần Horus và Seth đã chống lại nhau giống như "theo Cách của một cuộc chiến tranh hoa hồng" trong giai đoạn nửa sau của triều đại thứ hai[21].

Giả thuyết vị vua "Peribsen dị giáo" dựa trên ba luận điểm: tên của "Peribsen" đã bị loại khỏi các danh sách vua sau này, ngôi mộ của nhà vua đã bị phá hủy và bị cướp vào thời cổ đại, và cuối cùng là tấm bia mộ của Peribsen với hình ảnh linh vật của thần Seth đã bị xóa bỏ với ý định rõ ràng là làm lu mờ đi hình tượng của thần Seth. Các nhà Ai Cập học đưa ra giả thuyết cho rằng đây là hành động của phe tôn giáo đối lập nhằm vào tầng lớp tư tế của thần Seth.[19][21] Lauer và Firth đã dựa vào lý thuyết "Peribsen dị giáo" này để giải thích về việc lý do tại sao một số lượng lớn những chiếc bình đá chạm khắc tên của vị vua thuộc triều đại thứ nhất và thứ hai lại được tìm thấy bên dưới kim tự tháp của Djoser, chúng nằm trong những chiếc túi với ấn dấu của Khasekhemwy và Djoser. Họ cho rằng Peribsen đã cướp phá những ngôi mộ của các vị vua tiền triều, những người tôn thờ thần Horus, và vứt vãi những đồ tùy táng của họ. Những chiếc bình này sau đó đã được thu thập về ngân khố của hoàng gia dưới thời trị vì của Khasekhemwy sau khi ông ta thống nhất đất nước Ai Cập và cuối cùng được Djoser chôn xuống dưới kim tự tháp của mình giống như một sự thành kính[22].

Giả thuyết hiện đại

Ngày nay, những bằng chứng khảo cổ học của Peribsen đã được tìm thấy chủ yếu ở Thượng Ai Cập. Cụ thể, tên của ông không xuất hiện trong các ghi chép ở Hạ Ai Cập còn sót lại từ thời điểm đó. Đã có tranh luận về việc Peribsen có thể đã không cai trị toàn bộ Ai Cập và do đó không thể có đủ quyền lực để tiến hành thay đổi tôn giáo của cả vương quốc. Một bằng chứng khác chống lại giả thuyết "Peribsen dị giáo" đó là cánh cửa giả của vị tư tế Shery tại Saqqara. Shery đã phụ trách các nghi lễ thờ cúng dưới triều đại thứ tư. Chữ viết trên cánh cửa giả này đã kết nối tên của Peribsen với tên của một vị vua khác thuộc triều đại thứ hai, Senedj. Theo đó, Shery giữ chức vụ "người cai quản toàn bộ những tư tế thuần túy của vua Peribsen trong khu lăng mộ vua Senedj, trong ngôi đền lễ tang của ngài và ở tất cả các nơi khác". Điều này ngụ ý rằng sự thờ cúng Peribsen vẫn tiếp tục ít nhất cho đến triều đại thứ tư, không phù hợp với giả thuyết cho rằng tên của Peribsen không được phép đề cập đến. Ngoài ra, các nhà Ai Cập học khác như Herman te Velde chỉ ra rằng Shery không phải là vị tư tế duy nhất thuộc triều đại thứ tư tham gia vào việc tiến hành các nghi lễ thờ cúng Peribsen. Inkef, có thể là anh em ruột hoặc họ hàng của Shery, cũng đã giữ tước hiệu "người cai quản các tư tế ka của vua Peribsen"[4].

Những vết dấu được tìm thấy trong ngôi mộ của Peribsen ở Abydos có tên của một số vị thần như: Ash, MinBastet, điều này cho thấy họ được tôn thờ trong thời kỳ Peribsen trị vì. Phát hiện này dấy lên các cuộc tranh luận chống lại giả thuyết về việc Peribsen chỉ thờ cúng một vị thần duy nhất, hoặc đã đề xướng thuyết độc thần[23][24][25]. Giả thuyết dị giáo của Newberry, Černý, Grdseloff và những người khác chỉ được suy luận ra từ những thông tin khảo cổ rất hạn hẹp vào thời điểm của họ. Hầu hết các vết dấu bằng đất sét được tìm thấy vào thời điểm đó vẫn chưa được giải mã và dịch ra.[26]

Bình đá từ ngôi mộ của vua Peribsen, bảo tàng Ashmolean.

Theo các nhà Ai Cập học như Jean Sainte Fare Garnot và Herman te Velde, tên của "Peribsen" mang ý nghĩa là sự hòa hợp về tôn giáo, ngay cả trước khi kết hợp với tên của một vị thần. Tên gọi "Peribsen" có nghĩa đen là "Ngài đến từ ​​ý muốn của họ" hoặc "Trái tim và ý chí của Ngài sẽ đến với họ". Từ sn trong tiếng Ai Cập có nghĩa là "họ, của họ, những người kia", rõ ràng là cách viết số nhiều. Te Velde và Garnot đều tin chắc rằng Peribsen không những sử dụng linh vật của Seth làm biểu tượng bảo trợ trên serekh của ông, mà còn kết hợp tên của ông với thần Horus. Nếu điều này là thực, Peribsen chắc chắn đã tôn thờ cả hai vị thần Horus và Seth một cách ngang hàng suốt triều đại của ông.[4][27] Peribsen có thể đã được coi như là một hiện thân sống của cả thần Horus và Seth một cách bình đẳng, giống như những vị vua trước đó. Do vậy, tên của Peribsen có thể thực sự đã không phá vỡ các truyền thống thiêng liêng; không những thế ông còn kết hợp uy quyền của thần Seth cho thần Horus. Một ví dụ khác đó là tước hiệu của các hoàng hậu thuộc hai triều đại đầu tiên đều có nhiều vị thần bảo trợ, như là "Đức bà người được phép gặp thần Horus và Seth" và "Đức bà người thuyết phục được cả thần Horus và Seth".[4][27] Tương tự như vậy, serekh bất thường của vua Khasekhemwy, vị vua cuối cùng của vương triều thứ hai, lại có cả biểu tượng của thần Horus và Seth đứng cạnh nhau trên đỉnh serekh. Horus đội vương miện trắng của Thượng Ai Cập và Seth đội vương miện đỏ của Hạ Ai Cập. Cả hai vị thần được vẽ theo kiểu đối mặt với nhau giống như hành động đang hôn vậy. Tên gọi đặc biệt này giống như một cách minh họa cho việc hóa thân kép của vua là hiện thân của cả Horus và Seth, với quyền lực trên toàn bộ Ai Cập. Tên serekh Khasekhemwy có thể được coi như là một dạng tên serekh cấp tiến hơn so với của Peribsen[28].

Các nhà Ai Cập học như Ludwig David MorenzWolfgang Helck [29] lưu ý rằng ý định về việc xóa bỏ hình ảnh linh vật của thần Seth đã không diễn ra cho đến tận thời kỳ Tân vương quốc của Ai Cập. Hình ảnh linh vật của thần Seth trên tấm bia mộ của Peribsen bị xóa bỏ ban đầu được cho là diễn ra ngay sau khi ông qua đời theo giả thuyết "dị giáo"; nhưng những khám phá mới đây cho thấy sự phỉ báng này chỉ xảy ra sau đó hàng thế kỷ[30]. Nhà sử học Dietrich Wildung cho rằng quần thể lăng mộ Abydos không chỉ là nơi duy nhất bị cướp phá vào thời cổ đại: các ngôi mộ ở SaqqaraGiza cũng đã bị cướp phá. Do đó, ông ta kết luận rằng bất kỳ hành động nào với mục tiêu nhằm chống lại một vị pharaon riêng biệt đều bị loại trừ[31].

Giả thuyết chính trị

Các giả thuyết trước đây của Newberry, Černý và Grdseloff[3] đều cho rằng vương quốc Ai Cập dưới thời Peribsen đã phải chịu nhiều cuộc nội chiến, bắt nguồn từ nguyên nhân kinh tế hoặc chính trị. Nếu thực sự ông là người chịu trách nhiệm gây ra những điều trên, thì điều đó có thể giải thích tại sao các bản danh sách vua sau này đã loại trừ Peribsen[19][21].

Ngược lại, các giả thuyết gần đây lại cho rằng, nếu vương quốc Ai Cập thực sự bị chia cắt thì chắc chắn sự chia cắt này đã diễn ra một cách hòa bình. Các nhà Ai Cập học như Michael Rice,[32] Francesco Tiradritti[33] và Wolfgang Helck chỉ ra rằng những ngôi mộ mastaba nguy nga và được bảo tồn tốt ở SakkaraAbydos đều thuộc các quan lại cấp cao trong triều đình như Ruaben và Nefer-Setekh. Tất cả chúng đều có niên đại từ triều đại Nynetjer đến triều đại của Khasekhemwy, vị vua cuối cùng của triều đại thứ hai. Các nhà Ai Cập học còn cho rằng tình trạng của các mastaba và kiến ​​trúc ban đầu của chúng là bằng chứng cho thấy việc thờ cúng các vị vua và quý tộc sau khi họ qua đời tại khắp nơi trên toàn vương quốc đã diễn ra trong suốt triều đại. Nếu điều này là đúng, hiện trạng nguyên vẹn của những ngôi mộ này lại không phù hợp với giả thuyết về các cuộc nội chiến và vấn đề kinh tế xảy ra dưới thời Peribsen cai trị. Rice, Tiradritti và Helck nghĩ rằng Nynetjer đã quyết định phân chia vương quốc vì những lý do cá nhân hoặc chính trị và rằng sự phân chia này được các vị vua của triều đại thứ hai chấp nhận.[32][33][34]

Nguyên nhân của sự chia rẽ về mặt chính trị vẫn chưa được biết rõ. Điều này có thể đã xảy ra vào giai đoạn đầu triều đại của Peribsen hoặc ngay trước đó. Bởi vì Peribsen lựa chọn thần Seth làm vị thần bảo trợ cho ngai vàng của ông, cho nên các nhà Ai Cập học suy đoán rằng Peribsen là một thủ lĩnh của Thinis hoặc là một hoàng tử của hoàng tộc Thinis. Giả thuyết này dựa vào việc thần Seth là một vị thần có nguồn gốc đến từ Thinis, điều này có thể giải thích cho sự lựa chọn của Peribsen: sự thay đổi tên của ông có thể là một phương thức tuyên truyền khôn khéo về mặt chính trị (và tôn giáo)[34][35]. Peribsen được cho là chỉ cai trị Thượng Ai Cập với kinh đô ở Thinis, trong khi những vị vua khác cai trị Hạ Ai Cập với kinh đô ở Memphis.[26]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Seth-Peribsen http://dispatch.opac.d-nb.de/DB=1.1/CMD?ACT=SRCHA&... http://dispatch.opac.d-nb.de/DB=1.1/CMD?ACT=SRCHA&... http://digi.ub.uni-heidelberg.de/diglit/petrie1901... http://xoomer.virgilio.it/francescoraf/hesyra/prib... http://www.britishmuseum.org/explore/highlights/hi... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0044-216... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0307-510... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0342-127... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0344-385... //www.worldcat.org/search?fq=x0:jrnl&q=n2:0366-422...